Sau một thời gian dài không sử dụng, Điều hòa rất dễ bị kẹt cháy ngay khi mới khởi động lại, bạn nên kiểm tra và bảo dưỡng thường xuyên giúp kéo dài độ bền cho máy.
Không bảo dưỡng, Điều hòa dễ kẹt cháy
Theo KS điện – điện tử Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Viện Kỹ thuật Quân sự, việc lau chùi, bảo dưỡng Điều hòa khi không sử dụng tránh nguy cơ bụi bẩn bám lâu ngày, giảm nguy cơ kẹt máy khi khởi động lại, tránh được nguy cơ bụi bẩn bám lâu ngày vào các chi tiết máy Điều hòa hay lưới lọc sẽ bị khô cứng lại, hoặc làm hoen rỉ các chi tiết kim loại vốn đã dễ bị lão hóa, thậm chí gây nguy cơ kẹt, cháy Điều hòa khi khởi động lại vào mùa sau.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Đức Lợi, Viện Khoa học Nhiệt lạnh, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, trước khi cho Điều hòa nghỉ lâu dài, người sử dụng cần cho chế độ quạt trong nhà (FAN MODE) chạy nhiều giờ để bên trong dàn lạnh khô hoàn toàn, không còn nước ngưng đọng trong máng. Sau đó cần vệ sinh phin lọc gió và lắp trở lại. Ngoài ra, người sử dụng nên ngắt aptomat, cầu dao hoặc rút phích cắm Điều hòa để ngắt hoàn toàn khỏi lưới điện, tránh trường hợp sự cố lưới điện có thể phóng xung điện làm hỏng các mạch điều khiển.
Lau chùi, bảo dưỡng Điều hòa cuối mùa sẽ tốt hơn, tránh được nguy cơ bụi bẩn bám lâu ngày các chi tiết máy vào mùa sau.
Ngắt điện làm tốn tiền, mốc tủ lạnh
Theo KS Nguyễn Huy Bạo, việc một số gia đình có thói quen rút điện cho tủ lạnh nghỉ vào mùa đông là sai lầm bởi dễ gây hỏng hóc máy hoặc hệ thống đường dẫn gas. Nguyên nhân là do trong thời gian dài không sử dụng, gas sẽ lắng xuống khiến hệ thống ống dẫn dễ bị khô, lão hóa, thậm chí hoen gỉ; khi hoạt động trở lại dễ gây hiện tượng sục gas, có bọt khí… Ngoài ra, nếu để tủ lạnh nghỉ trong mùa đông dài thì rất có thể hơi ẩm bên trong tủ lâu ngày bị đóng kín, bí hơi sinh ra mùi hôi, mốc do không được vệ sinh cẩn thận và lau khô trước khi không sử dụng. Cộng thêm thời gian để máy không chạy quá lâu và thời tiết ẩm ướt cũng làm tăng khả năng tủ bị mốc bên trong, xung quanh lớp gioăng cao su ở viền tủ và cánh tủ. Tốt nhất, cần lau tủ thật khô, sạch sẽ khi không sử dụng, thỉnh thoảng nên mở tủ ra cho thoáng khí và vệ sinh lại. Khi dùng lại có thể cắm điện cho tủ chạy không trước khi đưa thực phẩm vào khoảng 1 – 2 tiếng để đảm bảo không khí bên trong sạch mùi ẩm mốc.
Hơn thế, khi cho máy nghỉ trong thời gian dài cũng nên thi thoảng cho máy chạy nhằm giúp động cơ không bị ì, các chi tiết không bị ăn mòn dẫn đến hỏng hóc. Tuy nhiên, việc cứ đóng/ngắt điện thường xuyên cũng lại dễ làm hỏng động cơ. “Như vậy, việc cho tủ lạnh nghỉ vào mùa đông có thể tiết kiệm tiền điện, nhưng máy lại nhanh hỏng và nếu hỏng lốc hay phải bơm nạp gas thì chi phí còn tốn hơn nhiều”, KS Nguyễn Huy Bạo khuyến cáo.
Đối với quạt điện, KS Nguyễn Huy Bạo cho biết, nên gỡ lồng và cánh quạt để làm vệ sinh sạch sẽ, nhỏ luyn hoặc dầu chạy động cơ vào các đầu trục của quạt trước khi đóng gói cất đi. Theo KS Nguyễn Huy Bạo, việc này sẽ giúp bảo dưỡng quạt tốt nhất, tránh khỏi bụi bẩn và nguy cơ bụi bám lâu ngày gây bó trục, khô động cơ khi dùng lại vào mùa sau.
TS Trần Văn Thịnh, Trưởng Bộ môn Thiết bị Điện – Điện tử, Viện Điện, trường Đại học Bách khoa Hà Nội lại nhấn mạnh đến việc bảo quản thiết bị điện trong mùa nồm ẩm vì các chi tiết, linh kiện điện tử của các thiết bị điện như quạt điều khiển từ xa, Điều hòa… rất dễ bị hỏng hóc vào những ngày có độ ẩm trong không khí cao. Vào những ngày này nên thi thoảng đóng điện cho các thiết bị điện trong gia đình hoạt động để sấy khô các linh kiện bên trong. Tuy nhiên, cần chú ý không đóng điện trong những ngày quá ẩm vì khi đó thiết bị lại dễ bị ảnh hưởng ngược lại.